Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, có biểu hiện sốt và nổi mụn nước, thường tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng. Bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi là phổ biến nhất. Việc tập trung các bé ở nhà trẻ hay trường mẫu giáo rất dễ khiến bé bị ảnh hưởng của dịch tay chân miêng, bởi đây là căn bệnh truyền nhiễm từ người sang người. Bệnh này nếu không được chữa trị và phòng tránh kịp thời thì sẽ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trong bài viết dưới đây, spoehrer.com sẽ hướng dẫn các mẹ cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ, cùng tìm hiểu ngay nào.
Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ

Các chủng coxsackievirus và thường là coxsakievirus A16, là nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Vi rút này rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Chúng lây thông qua bắt tay, ho, hắt xì hơi hoặc chạm vào vật có dấu vết của vi rút. Vì vậy nó rất có thể bùng phát thành dịch bệnh.
Thời gian ủ bệnh có thể từ 3 đến 7 ngày. Triệu chứng ban đầu thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Sau 1 – 2 ngày xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước. Từ đó dẫn đến loét. Ban da bắt đầu xuất hiện từ 1 – 2 ngày. Ban này không gây ngứa và thường cư trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Tuy nhiên, ban có thể xuất hiện ở mông. Một số trường hợp, ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh
Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như:
- Bị viêm màng não vi rút (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng). Lúc này bệnh nhân cần nhập viện để được điều trị.
- Các biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Đối với trẻ có biến chứng não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu ngủ, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân run, co giật, sốt cao, méo miệng. Khi xuất hiện biến chứng trên nếu không phát hiện, điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.
- Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì bệnh nhân cũng có thể bị bội nhiễm tại các nốt mụn trên da.
Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ như thế nào?

Phát hiện dấu hiệu bệnh, ba mẹ cần đưa con đến các chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, bệnh viện để khám. Không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc hiệu diệt vi rút gây bệnh tay, chân, miệng. Vì vậy, các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Mẹ nên cho bé dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau. Bên cạnh đó, mẹ cần bù đủ lượng nước cho các bé nếu có sốt cao.
Trẻ mắc bệnh cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu. Đồng thời phải vệ sinh cho trẻ miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Đối với các vùng da bị thương tổn, mẹ nên bôi các dung dịch sát khuẩn. Điều này sẽ giúp bé hạn chế nguy cơ bội nhiễm cho các vùng xung quanh. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim thì ba mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay để có biện pháp điều trị tích cực.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ
Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa. Đặc biệt là vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho vi rút phát triển và gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ,… Vì vậy, bố mẹ cần nắm được những cách phòng ngừa bệnh kịp thời. Từ đó ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh và hạn chế gây tổn thương cho bé. Hiện nay, không có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, bố mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại vi rút gây ra bệnh tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau đây:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho trẻ nhỏ ăn; hoặc sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
- Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
- Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
- Khi trẻ bệnh thì tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.
- Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
- Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo thì cần nhập viện ngay lập tức.