Tìm hiểu về bệnh thoái hoá điểm vàng ở người cao tuổi

Bệnh thoái hoá điểm vàng là một trong những căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thị lực. Đây là một căn bệnh ảnh hưởng đến hoàng điểm – là một bộ phận của mắt cho phép chúng ta nhìn thấy hình ảnh chi tiết. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề về thị lực trung tâm, là một khu vực thị lực giúp chúng ta nhìn rõ các vật thể. Bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì nó có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của đôi mắt. Hãy cùng spoehrer.com tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này cũng như cách phòng bệnh hiệu quả nhất qua bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là thoái hoá điểm vàng?

Thoái hoá điểm vàng
Thoái hoá điểm vàng là một bệnh lý về mắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn trung tâm – vốn có vai trò quan trọng với các hoạt động

Bệnh thoái hóa điểm vàng (AMD) – còn gọi là thoái hóa hoàng điểm. Đây là một bệnh lý về mắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn trung tâm – vốn có vai trò quan trọng với các hoạt động như đọc sách và lái xe. Tình trạng này xảy ra khi phần trung tâm nhỏ của võng mạc (hoàng điểm) bị thoái hóa. Võng mạc là mô thần kinh cảm nhận ánh sáng ở phía sau mắt của bạn. Với việc thường xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi, bệnh còn có một tên gọi khác là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (Age-related Macular Degeneration).

Đây là một bệnh lý phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây giảm sút thị lực ở đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Tuy thường không gây mù lòa, bệnh có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thị lực. Cụ thể, việc mất tầm nhìn trung tâm có thể gây khó khăn khi nhìn mặt, lái xe hoặc làm các công việc như nấu ăn, sửa chữa.

Ở một số người, bệnh có thể diễn tiến rất chậm. Ngay cả khi mắc bệnh từ sớm, bạn có thể không nhận thấy thị lực suy giảm trong một thời gian dài. Đối với một số trường hợp khác, bệnh tiến triển nhanh hơn và có thể gây mất thị lực trung tâm ở một hoặc cả hai mắt. Một dạng khác của bệnh này được gọi là bệnh Stargardt hoặc thoái hóa điểm vàng ở tuổi vị thành niên, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em và thanh niên.

Bệnh thoái hoá điểm vàng có mấy loại?

Bệnh được chia làm 2 dạng chính sau:

  • Dạng khô. Dạng này được đặc trưng bởi các chấm nhỏ màu vàng, được gọi là drusen, trong hoàng điểm bệnh nhân. Ban đầu, một số lượng nhỏ drusen có thể không làm thay đổi tầm nhìn. Nhưng khi tăng trưởng về kích thước và số lượng, các chấm này có thể làm mờ hoặc bóp méo tầm nhìn của bạn, đặc biệt là khi đọc sách. Khi bệnh trở nên tồi tệ hơn, các tế bào nhạy cảm với ánh sáng trong hoàng điểm sẽ trở nên mỏng hơn và cuối cùng sẽ chết đi.
  • Dạng ướt. Mạch máu phát triển từ bên dưới hoàng điểm, làm rò ri máu và chất lỏng vào võng mạc. Điều này tác động đến tầm nhìn của bạn, làm cho các đường thẳng trở nên lượn sóng. Bạn cũng có thể xuất hiện điểm mù và mất thị lực trung tâm. Tình trạng này cuối cùng dẫn đến hình thành sẹo, gây mất thị lực trung tâm vĩnh viễn.

Hầu hết bệnh nhân bị ở dạng khô, nhưng bệnh hoàn toàn có thể tiến triển thành dạng ướt. Khoảng 10% bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng dạng ướt.

Những con số thống kê của bệnh thoái hoá điểm vàng

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực. Bệnh phá hủy hoàng điểm, phần mắt cho tầm nhìn sắc nét, trung tâm cần thiết để nhìn rõ các vật thể. Phụ nữ thường có tuổi thọ cao hơn nam giớ. Vì vậy, họ có nhiều khả năng mắc các bệnh về mắt do tuổi tác như thoái hóa điểm vàng.

Thống kê vào năm 2010 ở Hoa Kỳ cho thấy 65% trường hợp mắc AMD là phụ nữ so với 35% ở nam giới. Cùng với việc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ngày càng cao hơn, số lượng người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng cũng gia tăng. Dự tính đến năm 2050, số bệnh nhân thoái hóa điểm vàng sẽ tăng từ 2,07 triệu lên 5,44 triệu.

Triệu chứng của bệnh thoái hoá điểm vàng

Triệu chứng của bệnh thoái hoá điểm vàng
Triệu chứng của bệnh thoái hoá điểm vàng – Tầm nhìn suy giảm hoặc ít rõ ràng hơn

Ở giai đoạn ban đầu, bệnh nhân có thể không có bất kỳ dấu hiệu đáng chú ý nào. Cùng với sự tiến triển của bệnh, bệnh nhân sẽ nhận thấy một khu vực bị mờ gần trung tâm tầm nhìn của họ. Theo thời gian, khu vực mờ này có thể trở nên lớn hơn. Hoặc thậm chí là bạn có thể thấy các điểm trống. Mọi thứ cũng có vẻ kém sáng hơn trước. Một số người cũng có thể thấy các đường thẳng bắt đầu trở nên lượn sóng. Đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo thoái hóa điểm vàng ở giai đoạn muộn. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Tầm nhìn suy giảm hoặc ít rõ ràng hơn. Tầm nhìn của bạn có thể bị mờ, dẫn đến việc bạn gặp nhiều khó khăn hơn khi đọc sách.
  • Vùng tối, mờ ở trung tâm tầm nhìn.
  • Nhận thức về màu sắc trở nên kém đi.

Vì sao người già thường bị thoái hoá điểm vàng?

Đây là căn bệnh thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi, là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực nghiêm trọng ở người lớn trên 60. Tuy vây, bệnh này xuất hiện ở người trẻ không phải là điều hiếm gặp. Mặt khác, thống kê cho thấy bệnh có thể có nguyên nhân do gen (thoái hóa điểm vàng bẩm sinh). Nếu ai đó trong gia đình bạn bị mắc bệnh, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Hút thuốc, huyết áp cao hoặc cholesterol cao, béo phì, ăn nhiều chất béo bão hòa, da sáng, là phụ nữ và có màu mắt nhạt cũng là những yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu bạn đang có nguy cơ bị bệnh do tuổi tác, tiền sử gia đình; hoặc các yếu tố khác thì hãy lưu ý đi khám mắt thường xuyên.

Cách phòng bệnh thoái hoá điểm vàng cho người già

  • Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể. Không chỉ vậy, nó còn giúp cải thiện thị lực. Nên tập trung vào các loại rau màu xanh đậm và thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi, các loại hạt,… Bạn cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa chất béo bão hòa.
  • Tập luyện thường xuyên: Tập thể dục cũng giúp bảo vệ bạn khỏi AMD. Đặc biệt là nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh.
  • Kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp có thể khiến bạn bị AMD. Vì tình trạng này ảnh hưởng đến các mạch máu ở phía sau mắt. Khi các mạch máu bị tổn thương, lượng oxy đến mắt sẽ giảm, điều này làm tổn thương điểm vàng.
  • Kiểm soát cholesterol: Mức cholesterol có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mắt. Các nghiên cứu được thực hiện trên chuột cho thấy sự tích tụ cholesterol trong động mạch và tĩnh mạch mắt có thể là tác nhân gây AMD.
  • Ngừng hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng cao gấp đôi so với người không hút thuốc.  Một số nghiên cứu cũng cho thấy hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng và tốc độ tiến triển của bệnh.
  • Khám mắt định kỳ: Các triệu chứng thoái hóa điểm vàng thường khó nhận thấy ở giai đoạn đầu. Do vậy, khám mắt định kỳ 2 lần/năm sẽ giúp phát hiện sớm bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *